Công trình xanh vốn là chủ đề được quan tâm rất nhiều hiện nay, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, các dự án công trình xanh tại Việt Nam có thể nói là vô cùng ít so với các nước trên thế giới.
Khái niệm công trình xanh đã bắt đầu được hình thành từ những năm 90, tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, dù đã qua hơn 30 năm, thực trạng phát triển công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Trong buổi hội thảo thực tuyến “Công trình xanh – Tài chính xanh trong phát triển dự án bất động sản” do Realcom phối hợp với Sen Vàng cùng các đơn vị tổ chức, ông Trịnh Tùng Bách – Founder GBS Việt Nam cho biết dù cho công trình xanh mang lại rất nhiều lợi ích và nhận được sự quan tâm của các bộ ban ngành nhà nước, tuy nhiên nó vẫn chưa thể phát triển được như kì vọng.
Theo một báo cáo của bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở của nước ta tính đến năm 2030 mỗi năm sẽ tăng thêm 70 triệu m2 sàn, tương đương 17500 tòa nhà 30 tầng. Tuy nhiên, tính đến hết quý III 2021, Việt Nam mới ghi nhận 201 dự án công trình xanh. Đây quả là một con số vô cùng nhỏ so với nhu cầu trên thị trường
Lý giải về điều này, chuyên gia đã nêu ra ba rào cản chính ảnh hưởng đến sự phát triển công trình xanh ở Việt Nam như sau:
Thứ nhất, đó là trong đầu tư và phát triển dự án, phần chi phí tăng thêm không được tính toán rõ ràng. Hầu hết khi được giao đề tài liên quan đến công trình xanh, các bên tư vấn chỉ đưa ra các giải pháp về mặt kĩ thuật, còn về mặt chi phí thường bị bỏ qua bởi rất ít đơn vị có đủ khả năng để tính toán chi tiết và đưa ra kết quả xác đáng.
Trên thực tế, có rất nhiều ngộ nhận về chi phí tăng thêm của công trình xanh. “Một số công trình chúng tôi đã làm thì chi phí chỉ tăng khoảng 1 – 3% và chi phí sẽ tuỳ thuộc vào bộ công cụ xanh áp dụng theo từng công trình”, ông Bách nói.
Bên cạnh đó, trên thị trường chưa có bất cứ cơ chế ưu tiên cụ thể nào, quy trình xin chứng nhận thì phức tạp, tốn kém nhiều công sức. Ông cho biết, trên thực tế, có nhiều dự án mang yếu tố xanh nhưng không đăng kí chứng nhận xanh bởi quy trình quá rườm rà và tốn kém.
Ông Bách cho biết “Lợi ích thực sự của công trình xanh lại thuộc về phía người sử dụng, chứ không phải chủ đầu tư. Chủ đầu tư chỉ thực sư hưởng lợi từ công trình xanh khi sở hữu và vận hành nó, ví dụ như xây dựng nhà máy, xí nghiệp đưa vào vận hành luôn, còn việc xây dựng các khu chung cư, tòa nhà cho thuê hoặc bán ra ngoài thì lơi ích thực sự lại thuộc về cá nhân người sử dụng.”
Thứ hai, cá nhân end – user, những người trực tiếp sử dụng sản phẩm của chúng ta phần lớn chưa hiểu về công trình xanh. Điều này tạo ra tâm lý e ngại đối với các chủ đầu tư bởi họ sẽ phải tốn thêm công sức để “điều hướng, giáo dục” thị trường để khách hàng của họ hiểu về lợi ích của công trình xanh so với những sản phẩm thông thường khác.
Và cuối cùng, rào cản không thể không kể đến đó là trên thị trường Việt Nam có nhiều dự án chỉ là gắn mác “Xanh” nhưng không rõ ràng, mác “Xanh” không thực chất.
Còn theo ông Hoàng Anh Dũng – chuyên gia Năng Lượng của công ty responsAbility investment AG và quỹ GCPF, nguyên nhân chính là do chưa có sự kết nối chính thức nào giữa Nhà nước và chủ đầu tư.
Nhà nước chưa hề có bất kỳ chính sách khuyến khích nào cho chủ đầu tư thấy rõ lợi ích của mình. Bên cạnh đó, dòng sản phẩm bất động sản còn nằm trong danh sách hạn chế bởi ngân hàng Nhà nước. Lý do cuối cùng là rất ít chủ đầu tư đưa ra được phương hướng cụ thể về vấn đề xây dựng sản phẩm chắc chắn vươn tới khách hàng.
Khi nhắc tới lợi ích của công trình xanh, chúng ta đều nói về những điều rất vĩ mô như bảo vệ môi trường, giảm phát thải, hạn chế cháy rừng, .. nhưng liệu đó có phải điều mà chủ đầu tư thực sự quan tâm?
Ông Bách cho biết ba yếu tố quan trọng nhất mà họ quan tâm khi nhắc đến công trình xanh, đó là pháp lý, tài chính và kinh doanh.
Dù rằng việc phát triển công trình xanh là hoàn toàn tự nguyện, nhưng có lẽ những ưu tiên về mặt pháp lý vẫn là điều cần quan tâm hàng đầu, không ai làm bất cứ điều gì mà không quan tâm đến lợi ích, đặc biệt khi chúng ta phải đầu tư công sức nghiên cứu, theo chứng chỉ nhiều hơn so với công trình thông thường.
Tiếp đến, về mặt tài chính, nguồn vốn và hình thức huy động vốn thế nào cho hợp lý.
Cuối cùng, về phương diện kinh doanh thì liệu có tối ưu được giá thành xây dựng, chi phí bán hàng hay có đủ khác biệt để tạo ra unique selling point không?
Trong phần chia sẻ thứ hai của diễn giả Trần Anh Vũ – Chủ tịch hội mô phỏng hiệu năng công trình xây dựng, chúng ta lại thấy một góc nhìn mới liên quan đến công trình tiết kiệm năng lượng.
Ông cho biết, tại COP26, thủ tướng đã cam kết đến năm 2050 sẽ đưa mức phát thải về 0, điều này hoàn toàn trùng hợp với các nước đang phát triển. Tuy nhiên, công nghệ đất nước ta lạc hậu hơn rất nhiều so với các quốc gia trên thế giới, xuát phát điểm cách đến hàng 50 năm trên đường đua đưa mức phát thải về 0 ấy.
Ông cho biết: “Mức độ sử dụng điện năng để tạo ra 1 USD cho tăng trưởng GDP của nước ta cao gấp 2.5 lần so với trung bình thế giới, hơn rất nhiều lần so với các nước trong khu vực. Có thể nói, mức độ sử dụng điện năng là rất cao nhưng mức độ hiệu quả rất thấp.
Một thống kê của EVN cho biết, mỗi dự án hiện tại của nước ta hiện tại trung bình đều làm thất thoát 20 – 25 % nguồn năng lượng.
Và thực tế là bây giờ chúng ta mới bắt đầu, còn Pháp bắt đầu từ những năm 1974 sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ. Họ đi trước ta cả 40 – 60 năm về cả quản lý, trình độ khoa học, sản xuất và nghiên cứu.
Biết là vậy, nên chúng ta đã đề ra rất nhiều chiến lược đi tắt đón đầu, tuy nhiên đều gặp phải một số sai lầm dẫn tới chưa thể thành công.
Tỉ như chiến lược “Đi tắt đón đầu” bắt đầu từ cách đây 10 -15 năm đề ra 1 quy chuẩn về tiết kiệm năng lượng công trình. Tuy nhiên chúng ta quên mất 1 chuyện công trình xanh chỉ tùy chọn tiêu chuẩn, không hề có tính chất bắt buộc như các loại công trình khác.
Đến thời kì 4.0, chúng ta tiến hành phổ cập BIM, kết quả là đại bộ phận đồng hóa BIM = Revit, hệ thống thông tin quản lý và triển khai thiết kế nghe theo chỉ định của kĩ sư, bỏ qua BEM (một nhánh của BIM), bỏ mất bước kiểm soát chất lượng, dự báo năng lượng trong khi điều này phải được thực hiện trước khi triển khai BIM.
Để khắc phục những điều này, ông Vũ chia sẻ rằng điều đầu tiên chúng ta cần làm là phân loại công trình tiết kiệm năng lượng. Đây sẽ là cơ sở then chốt để “mở chốt” các ưu đãi, trong đó có thuế, lãi vay, tầng cao, mật độ xây dựng, thủ tục cấp phép xây dựng.
Bên cạnh đó, cần đặt ra các chế tài buộc cải tạo cho những công trình hạng thấp, đánh thuế nếu mức carbon vượt mức cho phép. tăng giá điện nếu vượt quá hạn mức cho phép, các loại thuế khác, đặc biệt đối với các công trình sử dụng càng nhiều năng lượng thì sẽ bán ra ngoài với giá thấp
Quan trọng hơn cả, dù cho không có chứng chỉ xanh nhưng vẫn phải tiết kiệm năng lượng.
Ông Vũ chia sẻ về mô hình dự báo vận hành công trình để có thể dự báo mức năng lượng sử dụng, đưa ra điều chỉnh hợp lý và tính toán được mức chi phí.
Đơn giản là chúng ta làm mô hình công trình trên máy tính rồi cho nó vận hành xem mức tiêu thụ năng lượng hiện tại là bao nhiêu, chỗ nào có vấn đề cần phải điều chỉnh, sửa chữa. Ông đặc biệt lấy ví dụ về CONINCO TOWER, tòa nhà văn phòng đạt giải thiết kế VECAS 2020, mặc dù không được chứng chỉ công trình xanh nhưng khi sử dụng mô hình dự báo tính toán cẩn thận, kết quả cho thấy tòa nhà không chỉ giảm năng lượng tiêu thụ, giảm chi phí vận hành mỗi năm.
Theo ông Dũng, đòn bẩy tài chính kích thích phát triển các sản phẩm khoa học công nghệ kỹ thuật, đầu tư dự án sử dụng hiệu quả năng lượng, giảm phát thải khí CO2, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng tái tạo đồng thời giảm tiêu cực đến môi trường và xã hội.
“Cần có thêm chính sách khuyến khích từ Chính phủ, bộ ngành cho các dự án bất động sản xanh cũng như cơ chế, quy trình phát triển cụ thể. Chủ đầu tư cần có chiến lược phát triển như nếu thiên về toà nhà văn phòng thì tiết kiệm năng lượng quan trọng, còn về nhà ở thì tiện nghi, thoải mái, nhiệt độ sẽ là điều mà khách hàng quan tâm. Từ đó, áp dụng các tiêu chuẩn xanh khác nhau để giảm được chi phí phát triển”, ông Dũng đưa kiến nghị.
Chuyên gia cũng cho biết thêm, tại Việt Nam, việc thu hút vốn vào bất động sản xanh thông qua các quỹ đầu tư nước ngoài rất hạn chế vì bất động sản nói chung là sản phẩm khá rủi ro. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư đã thành công khi phát hành trái phiếu xanh. Tuy nhiên, đây là những doanh nghiệp quản lý rủi ro tốt, cam kết cho cộng đồng rất tốt, cùng với đó là doanh nghiệp cũng có định hướng và chiến lược rõ ràng trong phát triển cũng như nắm được các yêu cầu của tổ chức quốc tế.
Bà Nguyễn Bích Ngọc – CEO & Founder Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Sen Vàng cũng bổ sung thêm: “Việc phát hành trái phiếu xanh là vấn đề mà các tập đoàn, chủ đầu tư lớn cần quan tâm. Vì đó không chỉ là câu chuyện thu hút vốn để phát triển mà còn khẳng định thương hiệu doanh nghiệp. Các quỹ nước ngoài họ yêu cầu cao nên chỉ phù hợp với các tập đoàn lớn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khác đến với các quỹ để tìm kiếm sự tư vấn, qua đó sẽ có định hướng để thu hút vốn trong tương lai”.
Trong khoảng vài năm gần đây, các sản phẩm Bất động sản được phát triển nhiều ở Việt Nam, bên cạnh những ưu điểm vượt trội của nó thì những sản phẩm này cũng gây ra những ảnh hưởng...
Một xu hướng đầu tư không thể bỏ qua trong thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành vừa qua, đó là công trình xanh và tài chính xanh. Theo ông Phạm Hồng Sơn, phó chủ tịch ủy ban Chứng khoán nhà...